Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đang được thực hiện đúng tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định để đảm bảo tiến hành thuận lợi.
Công tác chuẩn bị giải phóng mặt bằng (GPMB)
Các hoạt động chuẩn bị cho việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang được tiến hành tại An Giang với tốc độ khẩn trương và kết quả tích cực. Theo UBND tỉnh An Giang – việc triển khai dự án đang được tiến hành thuận lợi mà không phát sinh khó khăn hay vướng mắc, đảm bảo tiến độ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và khởi công vào ngày 30/4/2023.
Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng chiều dài 57,2km, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.700 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh An Giang, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang (Ban QLDA giao thông và nông nghiệp), đơn vị được giao làm Chủ đầu tư, đã rà soát, đánh giá năng lực và quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 5 gói thầu tư vấn.
Cụ thể, Liên danh CTCP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam – Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp – Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625 được chỉ định thực hiện Gói thầu Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cắm mốc GPMB, lộ giới đường bộ.
Liên danh Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Song Tiền – CTCP Tư vấn xây dựng và giao thông An Giang đảm nhiệm Gói thầu Tư vấn giám sát khảo sát bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Đại học Giao thông vận tải được chỉ định thực hiện Gói thầu Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi. Gói thầu Tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được trao cho Trung tâm Tư vấn môi trường và Phát triển nông thôn. Gói thầu Tư vấn lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được chỉ định cho Công ty TNHH Tư vấn quản lý phát triển ASEAN.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các nhà thầu tư vấn đã dồn lực thực hiện công việc theo hợp đồng, bảo đảm tiến độ đề ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 1 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và mời họp thẩm định báo cáo vào đầu tháng 11/2022. Nhà thầu đã hoàn thành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và tỉnh An Giang đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra từ 12/10/2022.
Đối với khâu lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cọc GPMB, Tỉnh đã lập hồ sơ cắm mốc GPMB theo hồ sơ thiết kế cơ bản đợt 1 và đợt 2 và được Cục Quản lý đầu tư xây dựng thống nhất. Bước đầu, hồ sơ thiết kế cắm mốc GPMB của 4 đoạn tuyến với chiều dài khoảng 27,6 km đã được bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất. Hiện đợt 1 có khoảng 25,2 km được hoàn thành triển khai cắm mốc GPMB và bàn giao cho Văn phòng Đăng ký sử dụng đất đai, Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh và các huyện, thành phố để thực hiện các bước GPMB tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết thêm, tiến độ lập Dự án cũng thuận lợi. Ngoài ra, Tỉnh đã thỏa thuận xong vị trí khớp nối với Dự án thành phần trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB)
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh An Giang, để thực hiện Dự án thành phần 1, cần thu hồi tổng diện tích 379,6 ha với kinh phí bồi thường GPMB là 2.760 tỷ đồng. Có 1.982 hộ dân thuộc TP. Châu Đốc, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và TP. Cần Thơ (0,5 km) bị ảnh hưởng.
Tới nay, UBND thành phố, các huyện đã quyết định thành lập hội đồng bồi thường. Các địa phương đã ban hành thông báo thu hồi đất và công bố chủ trương thu hồi đất được 8/14 xã trên tuyến cao tốc đi qua.
Ban QLDA giao thông và nông nghiệp bàn giao hồ sơ thiết kế, mốc tọa độ cho Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh lập bản đồ trích đo thực hiện Dự án được 27 km, đạt tỷ lệ 47,6% so với toàn tuyến. Ban cũng giao mốc GPMB thực tế 8 xã có bản đồ trích đo thực hiện Dự án. Hiện chỉ còn 6 xã và 4 nút giao chưa bàn giao mốc GPMB với chiều dài 31,5 km. Cũng liên quan tới GPMB, cơ quan hữu trách tỉnh An Giang đã kiểm kê đợt 1 tổng cộng 535/548 hộ dân.
Ông Trần Anh Thư cho biết thêm, nhu cầu cát san lấp cho Dự án khoảng 6,6 triệu/m3. An Giang đang rà soát và dự kiến kế hoạch huy động nguồn cát dự trữ từ 11 mỏ, 8 điểm chỉnh trị dòng chảy với tổng trữ lượng năm 2023 khoảng 5,8 triệu/m3.
Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án của Tỉnh sẽ họp bàn và thông qua phương án phân bổ nguồn cát san lấp. Dự báo nguồn cát san lấp cơ bản đáp ứng nhu cầu Dự án thành phần 1. “Hiện công việc cơ bản thuận lợi, chưa phát sinh vướng mắc. Hy vọng dự án sẽ khởi công đúng kế hoạch”, ông Thư nói.
Tuyến cao tốc ảnh hưởng đến thị trường BĐS vùng ĐBSCL
Các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng đang được coi là các điểm đầu tư tiềm năng nhờ vào việc xây dựng tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Nơi đây đang chứng kiến một sự gia tăng đáng kể về giá trị và tính thanh khoản của các bất động sản nhờ vào tuyến đường cao tốc.
Dự kiến, sức hút của khu vực sẽ tiếp tục lớn đến khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. Các dự án khu đô thị và khu dân cư cũng đang được hình thành dọc theo tuyến đường này, tạo ra sức nóng cho thị trường bất động sản nơi đây. Điểm danh một số dự án nổi bật có thể nhắc đến như khu đô thị Phúc An Asuka, khu dân cư Chợ Kênh F mở rộng, dự án Vĩnh Thạnh Center Cần Thơ và khu đô thị chợ Thới Lai. Những dự án này cũng đóng góp cho sự phát triển của địa phương và tạo ra nguồn cung chất lượng cho thị trường bất động sản tại khu vực.
Tuyến đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là tuyến đường cao tốc dài nhất khu vực ĐBSCL, có tầm quan trọng trong việc kết nối, vận chuyển hàng hóa. Các nhà đầu tư cần cập nhật những thông tin mới nhất để có quyết định đầu tư đúng đắn và hiệu quả nhất.